Bạn đang muốn tìm việc Công nghệ thông tin nhưng apply nhiều nơi vẫn chưa được nhận làm. Hay chỉ đơn giản bạn muốn tham khảo để quá trình tìm kiếm việc làm được thuận buồm xuôi gió hơn. Bài viết dưới đây sẽ chỉ bạn 15 điều đáng chú ý khi tìm việc công nghệ thông tin để gia tăng cơ hội nhận việc hơn cho bạn.
Mục lục
Học công nghệ thông tin thì làm gì?
Học công nghệ thông tin, các bạn sẽ có rất nhiều cơ hội được đảm nhận công việc tại nhiều vị trí khác nhau. Không những vậy, các môi trường làm việc cũng vô cùng phong phú. Cụ thể như sau:
- Lập trình viên: Đây là công việc mà các bạn chính là những người trực tiếp tạo nên các sản phẩm công nghệ như: Phần mềm, ứng dụng, hệ thống thông tin,…
- Kiểm duyệt chất lượng phần mềm: Nó là công việc mà bạn sẽ trực tiếp kiểm tra chất lượng đối với các sản phẩm công nghệ được tạo nên bởi các lập trình viên. Giải đáp: Học CNTT ra làm gì?
- Chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống, quản lý dữ liệu, quản trị mạng hoặc kỹ thuật phần cứng máy tính.
- Chuyên gia quản lý, điều phối các dự án liên quan đến công nghệ thông tin hoặc chủ kinh doanh về lĩnh vực này.
- Giảng dạy về chuyên ngành công nghệ thông tin tại các trường đại học, cao đẳng, trung tâm….
15 điều đáng chú ý khi tìm việc công nghệ thông tin

Nắm rõ kiến thức về ngành
Công nghệ thông tin (IT) là ngành học gắn liền với thực tế. Người học cần áp dụng những kiến thức và kỹ năng đã học vào các dự án. Vì vậy kiến thức là yếu tố đầu tiên và cũng là cơ bản để nhà tuyển dụng đánh giá bạn có phù hợp với vị trí ứng tuyển không.
Vậy nên hãy nắm chắc những nền tảng, kiến thức cơ bản khi còn học ở trường. Trước khi muốn tìm việc công nghệ thông tin, hãy xác định rõ những định hướng trong tương lai của bản thân. Bạn cần chuẩn bị thật tốt những kiến thức hay những kỹ năng cơ bản tương đương với những vị trí đã xác định. Ví dụ nếu bạn muốn trở thành front-end bạn cần nắm chắc các kiến thức về HTML, CSS, Javascript… hay bạn muốn theo back-end developer thì bạn cần trang bị kiến thức về các ngôn ngữ lập trình mà bạn muốn theo đuổi như C#, .NET…
Linh hoạt khi tìm kiếm việc làm
Khi mới bước chân vào ngành công nghệ, sẽ rất khó để bạn xác định mình sẽ đi theo một lĩnh vực cụ thể nào, công việc nào thì phù hợp với năng lực, trình độ và thậm chí là cả tính cách của bạn. Vì vậy, đừng giới hạn hay gò bó bản thân vào một vị trí hay một công ty nhất định nào đó. Bạn có thể thử sức với rất nhiều vị trí khác nhau và lựa chọn công việc phù hợp nhất với mình.
Không nên vội vã với những thông tin tuyển dụng
Thông tin tuyển dụng bao giờ cũng đăng tải trong một thời gian nhất định vì vậy khi thấy bất kỳ thông tin tuyển dụng nào bạn không nên vội vã gửi ngay hồ sơ đi. Bạn nên biết rằng dù bạn là người gửi hồ sơ đầu tiên hay người cuối cùng thì nhà tuyển dụng cũng không quan tâm. Hãy dành thêm thời gian để xem xét kỹ loại công việc, tìm hiểu mức lương và sửa chữa lại CV cho phù hợp với vị trí đó.
Tận dụng mọi mối quen biết mà bạn có
Ngoài những trang đăng tin tuyển dụng chuyên nghiệp, chính thống bạn nên tìm kiếm thông tin qua bạn bè, người thân. Ví dụ, có thể công ty của chị gái bạn làm việc đang cần tuyển thêm người và bạn có được lợi thế về thông tin, thời gian cũng như cơ cấu tuyển dụng của họ.
Phải biết rõ về công ty mình ứng tuyển
Nếu muốn được trả lương cao nhưng công ty bạn ứng tuyển chỉ là một công ty nhỏ, thị trường hoạt động không rộng vậy làm sao họ có thể đáp ứng được yêu cầu lương của bạn. Vì vậy, trước khi ứng tuyển cho bất kỳ công ty nào bạn cần phải tìm hiểu về lĩnh vực công ty đó kinh doanh, mức lợi nhuận hằng năm của họ, hình ảnh của họ…
Biết chính xác công việc mình muốn
Sinh viên mới ra trường còn quá ít kinh nghiệm để có thể nhận ra họ thích loại công việc nào. Tiêu chí họ thường nghĩ tới chỉ là mức lương và hợp với chuyên ngành họ học. Tuy nhiên, những tiêu chí để giúp bạn tìm được một công việc bạn thực sự yêu thích và có thể “tồn tại” lâu dài với chúng cần nhiều hơn thế. Ví dụ, bạn là người thích môi trường làm việc như thế nào? Bạn có thích một công việc thường phải công tác xa?…
Không nộp đơn vì không nghĩ bản thân phù hợp với công việc
Thỉnh thoảng bạn kiếm được một công việc hấp dẫn nhưng không ứng tuyển vì nghĩ mình thiếu tiêu chuẩn hay kinh nghiệm liên quan. Đó là một sai lầm lớn vì bạn có thể có những thứ để bù lại, giúp bạn trở thành một ứng cử viên nổi bật cho công việc đó. Tốt hơn hết bạn nên để nhà tuyển dụng làm công việc của họ và đưa ra quyết định có cơ sở.
Bằng cấp và bảng điểm không phải là yếu tố quyết định.
Nhà tuyển dụng có các chuyên gia giỏi của lĩnh vực bạn có bằng cấp, nếu bạn kém cỏi thì chỉ 5 giây họ sẽ quay ra tò mò làm sao bạn lại có được chứng chỉ này. Phải trau dồi kiến thức để có bản lĩnh thực chất, có khả năng đáp ứng yêu cầu công việc trong thực tế, bằng cấp chỉ là yếu tố phụ.
Ứng tuyển khi thực sự hiểu công việc
Việc hiểu về công việc tiềm năng trước khi ứng tuyển cũng rất quan trọng. Nếu bạn thiếu những tiêu chuẩn mà công việc yêu cầu hoặc không thể thể hiện kỹ năng việc làm liên quan như nhà tuyển dụng mong muốn thì bạn cần có cách nhìn khác và tìm công việc phù hợp hơn. Nếu không bạn sẽ gây lãng phí thời gian của người khác cũng như làm ảnh hưởng đến hình ảnh ứng viên đáng tin của mình.
Hồ sơ xin việc rõ ràng và sáng sủa
Sự cẩu thả trong chuẩn bị hồ sơ tạo ấn tượng rất xấu vì làm giảm bớt sự tin cậy của người tuyển dụng). Đặc biệt phần CV (tóm tắt thông tin cá nhân) cần làm rõ những khả năng, kinh nghiệm và định hướng lĩnh vực đang quan tâm và dự kiến kế hoạch để đạt được mục đích đó.
Kiểm soát phương tiện truyền thông
Mặc dù phương tiện truyền thông và mạng xã hội việc làm có thể dùng để thể hiện sự đáng tin của bạn, tạo một profile chất lượng trên mạng xã hội sẽ tạo ấn tượng tốt trong mắt các nhà tuyển dụng. Do đó, bạn nên kiểm soát những gì đưa lên mạng và cũng không để bạn bè mời xem những thông tin không phù hợp.
Tỉnh táo trước những câu hỏi lạ
Khi gặp những câu hỏi lạ không liên quan đến kỹ thuật hãy dành một chút thời gian tìm hiểu mục đích của câu hỏi trước khi trả lời. Bạn có thể yêu cầu nhà tuyển dụng cho bạn 1 phút để suy nghĩ hoặc tìm kế hoãn binh để đoán ra ý đồ của nhà tuyển dụng. Ví dụ: nhà tuyển dụng hỏi bạn là nếu đang đi một con thuyền, trên thuyền có một tảng đá và bạn vứt tảng đá đó xuống hồ. Hỏi: nước trong hồ dâng lên hay hạ xuống?. Xin chú ý, nhà tuyển dụng không quan tâm câu trả lời là dâng lên hay hạ xuống, mà họ chỉ muốn kiểm tra khả năng tìm hiểu các yêu cầu để giải quyết vấn đề của bạn. Một ứng viên tốt sẽ hỏi lại rất nhiều câu hỏi (hỏi càng hay càng được đánh giá cao) như: hồ có to không? tảng đá có to không? nước trong hồ là mặn hay ngọt… trước khi đưa ra kết luận.
Tự tin có cơ sở
Nếu bạn nắm rõ vấn đề hãy mạnh dạn tương tác với nhà tuyển dụng. Những nhà tuyển dụng cởi mở sẽ rất thích các ứng viên có quan điểm mạnh, tư tin và vững vàng trong trình bày! (Rất cần thiết nhưng không nên lạm dụng một cách thái quá sẽ “hiệu quả ngược”.)
Mức lương
Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, internet hoặc có thể là các mối quen biết để tìm hiểu mức lương trung bình của loại công việc bạn ứng tuyển thường là bao nhiêu. Với những thông tin đó áp dụng vào trường hợp của bạn như kinh nghiệm và kỹ năng của bạn thì mức lương đó sẽ ở mức nào. Từ đó bạn sẽ biết được liệu mức lương nhà tuyển dụng đưa ra cho bạn có hợp lý hay không?
Trình độ ngoại ngữ
Với xu hướng hội nhập, ngoại ngữ trở thành một trong những yếu tố cần thiết đối với mọi ngành nghề và ngành IT cũng không ngoại lệ. Đa phần các tài liệu nghiên cứu về ngành IT đều là tiếng Anh, những tài liệu là tiếng Việt khá ít. Bởi ở nước ngoài công nghệ đã đi trước chúng ta rất lâu, hiện tại chúng ta chỉ đang kế thừa và phát triển công nghệ sau này. Vậy nên, nếu bạn muốn tìm việc dễ dàng thì biết tiếng Anh là hết sức cần thiết.
Tổng kết
Trên đây là 15 điều đáng chú ý khi tìm việc công nghệ thông tin mà mình đã tổng hợp và muốn chia sẻ tới các bạn. Hi vọng với bài viết này các bạn sinh viên IT mới ra trường sẽ biết trang bị cho mình những thứ cần thiết để tìm kiếm được cho bản thân một công việc phù hợp nhất. Chúc các bạn sớm tìm được việc làm và thành công!