Cách làm CV ứng tuyển nhân viên kiểm thử phần mềm

Cách làm CV ứng tuyển nhân viên kiểm thử phần mềm 

Để có ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng thì phải làm thế nào? Trong thực tế sẽ có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến điều này. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này mình sẽ tập trung chia sẻ một trong những yếu tố đó thôi. Đó là CV mà ứng viên gửi cho nhà tuyển dụng. Trong những chia sẻ dưới đây mình sẽ hướng dẫn bạn cách để làm CV ứng tuyển nhân viên kiểm thử phần mềm.

Mục lục

Nhân viên kiểm thử phần mềm là gì?

Kiểm thử phần mềm là phương pháp kiểm tra xem sản phẩm phần mềm đó phù hợp với các yêu cầu đã đặt ra hay không. Đảm bảo rằng không có lỗi hay khiếm khuyết. Nó bao gồm việc kiểm tra, phân tích, quan sát và đánh giá các khía cạnh khác nhau của sản phẩm.

Nhân viên kiểm thử phần mềm (Tester) là người sử dụng kết hợp các công cụ thủ công và tự động để thực hiện quy trình trên. Sau khi tiến hành kiểm thử, Tester báo cáo kết quả cho team phát triển. Mục đích là xác định các lỗi, khiếm khuyết hoặc các yêu cầu còn thiếu so với yêu cầu thực tế.

Đọc thêm: Tìm hiểu tổng quan về nghề kiểm thử phần mềm từ A-Z

Cấu trúc CV tìm việc Tester

Về hình thức, nên trình bày theo trình tự thời gian, trình bày kiểu CV chức năng/kỹ năng, hoặc kiểu CV kết hợp. Nhưng tựu chung là trình bày theo trình tự thời gian là tốt nhất. Sắp xếp kinh nghiệm từ công việc gần nhất, cho đến xa nhất.

Bạn có thể tự thiết kế CV của mình, miễn sao font chữ tối giản, dễ đọc đối với nhà tuyển dụng. Để tránh bị lỗi định dạng, sau khi thiết kế hãy chuyển sang định dạng PDF để gửi nhà tuyển dụng.

Về nội dung, những mục chính cần xuất hiện trong CV của Tester là:

  • Header: Bao gồm tên nổi bật nhất, ảnh nếu có và thông tin liên hệ
  • Tóm tắt/ Mục tiêu nghề nghiệp: 2-3 dòng ngắn gọn mô tả bản thân và những giá trị chứng minh bạn phù hợp cho công việc QA Tester.
  • Kinh nghiệm làm việc: Các mốc thời gian công việc cùng với mô tả chi tiết nhiệm vụ và thành tựu, kết quả 
  • Trình độ học vấn: Mô tả ngắn gọn bằng cấp và quá trình đào tạo 
  • Kỹ năng: Danh sách ngắn gọn những khả năng liên quan đến công việc 
  • Thông tin khác: Bổ sung những thông tin khác muốn NTD biết bao gồm giải thưởng, chứng chỉ, chứng nhận, sở thích, … 

Hướng dẫn làm CV ứng tuyển nhân viên kiểm thử phần mềm

Thông tin cá nhân của ứng viên

Vì là một CV xin việc vì thế phần giới thiệu thông tin của bản thân bạn là điều không thể thiếu. Về thông tin cá nhân thì bạn phải cung cấp đầy đủ họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, địa chỉ thường trú, số điện thoại, email và một số trang mạng xã hội khác như linkedin, facebook,… Trong đó nền tảng LinkedIn là mạng xã hội chuyên nghiệp tập trung vào các kết nối chuyên nghiệp và việc làm lớn nhất toàn cầu tính đến năm 2022 với hơn 800 triệu người dùng. Vì vậy nếu bạn chưa có tài khoản trên này thì bạn nên sớm gia nhập vào mạng xã hội này đi.

Một điều đáng lưu ý là những thông tin bạn cung cấp phải thật chính xác. Ngoài ra, bạn cũng nên cung cấp một địa chỉ email chuyên nghiệp tránh những địa chỉ email quá trẻ con. Việc này sẽ gây mất thiện cảm và nhà tuyển dụng sẽ mặc định bạn là một người thiếu chuyên nghiệp.

Trình độ học vấn của Tester

Ngoài thông tin cá nhân thì việc chỉ ra cho nhà tuyển dụng biết được trình độ học vấn là rất quan trọng. Một học vấn tốt là một điểm cộng vô cùng lớn cho bạn. Ở phần này, bạn cần ghi đầy đủ tên trường, khoa, ngành học cũng như thời gian tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, vì đây là một chuyên ngành của công nghệ thông tin, bạn cũng nên học và viết thêm vào CV Tester những chứng chỉ liên quan đến ngành học nếu có. Bạn hoàn toàn có thể đăng ký các khóa học Tester online và offline để có thêm điểm cộng trong CV của mình.

Kinh nghiệm làm việc

Kinh nghiệm làm việc là là một trong những yếu tố then chốt để giúp ứng viên được tuyển dụng vào vị trí nào đó. Đây được coi là nội dung được nhà tuyển dụng đánh giá cao nhất. Những điều này không có nghĩa là bạn được phép viết quá nhiều bởi “chất lượng hơn số lượng”. Hãy ghi những kinh nghiệm liên quan đến vị trí công việc mà tester muốn ứng tuyển.

Mục tiêu nghề nghiệp trong CV Tester

Đây là phần thường bị khá nhiều ứng viên “làm lơ” và viết một cách hời hợt. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là một sai lầm đáng trách. Ngoài ra, bạn cũng sẽ rất dễ đánh mất cơ hội cho mình nếu như có cùng suy nghĩ và ý định như vậy. Thực tế, nhà tuyển dụng sẽ xem phần này khá kỹ. Bởi qua đây, họ sẽ biết được ứng viên của mình có phải là người biết định hướng và lập kế hoạch cho bản thân hay không. Nói cách khác, với mục tiêu nghề nghiệp thì ứng viên sẽ thể hiện được điều mình muốn là gì. Qua đó nhà tuyển dụng có thêm căn cứ, cơ sở để đưa ra các đánh giá, nhận xét về bạn.

Để ghi điểm với nhà tuyển dụng qua phần mục tiêu nghề nghiệp thì tốt nhất bạn nên chia thành mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Với mục tiêu ngắn hạn, hãy đưa ra các thông tin về việc bạn dự định làm để có thể góp phần thúc đẩy hiệu quả hơn trong công việc. Ví dụ như việc học thêm nâng cao để thi các chứng chỉ nghiệp vụ cao hơn phục vụ cho công việc. Tìm hiểu chuyên sâu về IOS, Android,…để test mobile chính xác nhất,… 

Kỹ năng phù hợp với vị trí ứng tuyển

Vì Tester là một công việc thuộc chuyên ngành công nghệ thông tin vì thế những kỹ năng mà Tester nên ghi vào cũng phải phù hợp với vị trí đó. Lưu ý rằng bạn chỉ nên ghi những kỹ năng mà chắc chắn có ích trong công việc cũng như bạn phải thành thạo về nó.

Một số kỹ năng quan trọng của một Tester:

  • Kỹ năng làm việc nhóm và chịu được áp lực công việc
  • Kỹ năng phân tích
  • Kỹ năng nắm bắt vấn đề và học hỏi nhanh trong công việc
  • Kỹ năng giao tiếp tốt
  • Khả năng ngoại ngữ là một điểm cộng lớn đặc biệt là tiếng anh
  • Kỹ năng tư duy logic

Các lỗi nên tránh khi viết CV ứng tuyển 

Lỗi chính tả

Sai chính tả là một lỗi sai nghiêm trọng mà khá nhiều người mắc phải khi viết CV. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá ứng viên không chuyên nghiệp, không có tính cẩn thận trong công việc. Mà trong khi đó, đặc thù của nghề tester là một công việc cần nhất là sự cẩn thận và tỉ mỉ.

Do đó khi viết CV tester cần phải hết sức chú ý và rà soát lỗi chính tả và ngữ pháp thật chắc chắn trước khi gửi cho nhà tuyển dụng.

Tránh sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất 

Trong CV xin việc Tester của bạn, tốt nhất không nên sử dụng đại từ “Tôi”. Hãy viết “Tạo một test case” thay vì “Tôi tạo một test case”. Đại từ “Tôi” này tốt nhất chỉ nên sử dụng ở phần mục tiêu nghề nghiệp mà thôi.

Sao chép CV của người khác

Một số ứng viên muốn gây ấn tượng mạnh mẽ với nhà tuyển dụng nên đã sao chép CV tester của người khác. Do đó những thông tin này không đúng với năng lực thật sự của bản thân. Nếu bị phát hiện ra, điều này sẽ khiến cho nhà tuyển dụng sẽ loại bỏ ngay CV của ứng viên. Chính vì vậy, tính trung thực là điều quan trọng trong quá trình viết CV.

Địa chỉ gửi mail không phù hợp

Sự chuyên nghiệp được đánh giá là một yếu tố quan trọng trong bất kỳ CV nào và CV Tester cũng không ngoại lệ. Cần lưu ý đến địa chỉ email của bản thân và cung cấp chính xác cho nhà tuyển dụng. Không nên dùng email mang tính chất trẻ con và theo trend trẻ trung quả. Vì điều này sẽ khiến CV tester thiếu sự chỉn chu và chuyên nghiệp trong mắt nhà tuyển dụng. Thậm chí khả năng xấu nhất là CV tester của bạn sẽ bị loại ngay lập tức.

Dài hơn 2 trang

Hình thức CV của ứng viên sẽ hình thành ấn tượng ban đầu đối với nhà tuyển dụng. Một CV tester vừa ngắn gọn vừa đầy đủ ý sẽ rất chuyên nghiệp. Do vậy cố gắng gói gọn thông tin không lan man dài dòng. Về ngôn ngữ sử dụng trong CV cần đồng nhất, tránh viết tiếng Anh đan xen với tiếng Việt

Tổng kết

Bài viết trên đã chỉ bạn những cách làm CV ứng tuyển nhân viên kiểm thử phần mềm. Cũng như chia sẻ những kinh nghiệm để có thể viết 1 bản CV tester chuyên nghiệp nhất. Hy vọng sẽ giúp các bạn có được CV tester ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng. Chúc các bạn thành công!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *